Mặt Bằng Nhà Ở Kết Hợp Văn Phòng Đang Trở Thành Xu Hướng
Hiện nay, thay vì thuê văn phòng ở các tòa nhà văn phòng chuyên nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp đã mua đất để xây mặt bằng nhà ở kết hợp văn phòng. Ở các thành phố lớn, việc này trở thành một xu hướng khi nó mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Mục lục
Lợi ích và thách thức khi xây mặt bằng nhà ở kết hợp với văn phòng
Theo các chuyên gia, mô hình nhà ở kết hợp với văn phòng đem lại nhiều lợi ích cho chủ doanh nghiệp.
– Tiết kiệm chi phí: Nếu doanh nghiệp đi thuê văn phòng thì chi phí thuê sẽ là mất đi vĩnh viễn. Trong khi đó, kết hợp làm văn phòng ngay tại nhà ở, tuy phải bỏ ra số vốn lớn ngay tại một thời điểm nhưng nếu tính toán thì vẫn có lợi. Doanh nghiệp có thể thế chấp đất đai vay ngân hàng để lấy tiền xây dựng. Số tiền hàng tháng bỏ ra cho việc thuê văn phòng lúc này sẽ dùng để trả ngân hàng. Nó được tích lũy lại trở thành tài sản của công ty mà không hề mất đi.
– Khả năng sinh lời: Thực tế, nếu bạn xây nhà chỉ để ở, ngôi nhà của bạn sẽ là tiêu sản. Nhưng nếu bạn kinh doanh, dùng mặt bằng nhà ở kết hợp với văn phòng, thì tất yếu sẽ sinh lợi nhuận. Đây là một sự lựa chọn có thể nói là thông minh, sử dụng toàn bộ công năng của ngôi nhà.
– Thuận tiện trong công việc: Sử dụng các tầng trên để làm không gian sinh hoạt trong gia đình, chủ doanh nghiệp sẽ không mất thời gian đi chuyển từ nhà đến công ty. Điều này sẽ giúp họ quản lý nhân sự, vận hành công việc được tốt hơn.
Nhiều lợi ích nhưng khi sử dụng mặt bằng nhà ở kết hợp với văn phòng cũng mang đến không ít thách thức:
– Chi phí đầu tư ban đầu cao: Việc xây dựng ban đầu nhiều hay ít vốn tùy thuộc vào quy mô. Với tình hình giá đất và giá xây dựng như hiện tại, doanh nghiệp cần bỏ ra khoảng 7-10 tỷ để có một công trình hoàn chỉnh. Mức chi phí này không thực sự phù hợp với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu.
– Những khó khăn về giấy phép xây dựng, thiết kế: Nếu đi thuê văn phòng, bạn chỉ cần lựa chọn một văn phòng phù hợp. Còn nếu chọn mô hình nhà ở kết hợp với văn phòng, doanh nghiệp của bạn sẽ phải lo từ A-Z. Từ việc xin giấy phép, thiết kế, thi công, bố trí mặt bằng văn phòng… để tạo ra một không gian làm việc đẹp. Điều này tốn không ít thời gian và công sức.
– Phải đảm bảo khu vực nhà ở và văn phòng có sự tách biệt. Nếu không, nhân viên và người nhà đều cảm thấy bất tiện.
Dù có những thách thức nhưng việc dùng mặt bằng nhà ở kết hợp làm văn phòng vẫn đang trở thành xu hướng. Bởi lợi ích nhiều hơn thách thức. Những công ty thành lập khoảng 4-6 năm, thậm chí 2-3 năm, kinh doanh tốt đều lựa chọn mô hình này.
Điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng nhà ở kết hợp với văn phòng
Giống như tất cả các công trình khác, việc xây dựng nhà ở kết hợp với văn phòng cũng cần xin phép cơ quan chức năng.
Xây dựng nhà ở kết hợp văn phòng cần điều kiện gì?
Theo quy định tại Điều 93 Luật xây dựng 2014, giấy phép xây dựng nhà ở kết hợp văn phòng gồm những điều kiện sau:
– Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được phê duyệt.
– Đảm bảo an toàn cho công trình và các công trình lân cận. Đảm bảo yêu cầu về phòng chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường; an toàn hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ công trình đê điều, thuỷ lợi, giao thông, năng lượng; đảm bảo khoảng cách an toàn tới công trình độc hại, dễ cháy, nổ, …
– Thiết kế đúng quy định: Xây dựng mặt bằng nhà ở kết hợp văn phòng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng. Với những tuyến phố chưa có quy hoạch chi tiết thì nhà ở kết hợp với văn phòng phải phù hợp với quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị.
Hồ sơ xin cấp phép gồm những gì?
Cũng như nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp văn phòng được cấp phép xây dựng cần đảm bảo đủ hồ sơ. Những loại giấy tờ cần có theo quy định của pháp luật là:
– Đơn xin cấp Giấy phép xây dựng (theo mẫu do Bộ Xây dựng hướng dẫn);
– Bản sao công chứng giấy tờ sở hữu đất theo quy định của pháp luật (sổ đỏ/sổ hồng)
– Bản vẽ xin giấy phép xây dựng cần thể hiện được: vị trí mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng điển hình; mặt bằng móng của công trình; sơ đồ vị trí hoặc tuyến công trình; sơ đồ hệ thống và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước; ảnh chụp hiện trạng (đối với công trình sửa chữa, cải tạo yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng).
– Khi xây dựng nhà ở riêng lẻ trong vùng đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện thì hồ sơ cần phải có Giấy cam kết tự phá dỡ công trình khi Nhà nước thực hiện quy hoạch xây dựng. (Trong trường hợp này chỉ được cấp Giấy phép xây dựng tạm có thời hạn theo thời hạn thực hiện quy hoạch).
– Nộp lệ phí cấp giấy phép xây dựng. Lệ phí cấp giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh.
Bài viết trên hi vọng mang lại cho các bạn cái nhìn tổng quan về nhà ở kết hợp văn phòng. Nếu tiềm lực tài chính ổn định, doanh nghiệp của bạn nên xây dựng mặt bằng nhà ở kết hợp với văn phòng. Dù có những khó khăn, nhưng mô hình này đang tạo ra lợi ích kép cho doanh nghiệp mà bạn có thể xem xét.