Cách Mở Tiệm Làm Tóc Nhỏ Thu Lợi Nhuận Lớn
Ở nước Mỹ, làm tóc là một nghề thu nhập thấp, không đủ sống. Thế nhưng, ở Việt Nam, nghề tóc lại là nghề dư dả, thậm chí có thể giàu có rất nhanh. Rất nhiều người đang ấp ủ giấc mơ mở tiệm làm tóc nhỏ để bắt đầu kinh doanh kiếm tiền. Vậy thì hãy xem ngay bài viết này để làm dày dặn thêm hành trang lập nghiệp của mình nhé.
Mục lục
Tại sao bạn nên làm nghề tóc, mở tiệm tóc?
Con người ai cũng mong muốn sở hữu ngoại hình đẹp. Người xưa có câu: “Cái răng cái tóc là góc con người”. Tóc là bộ phận quyết định quan trọng tới nhan sắc bên ngoài của chúng ta. Thế nên, nhu cầu chỉnh trang, làm đẹp mái tóc rất cao trong xã hội hiện đại ngày nay. Tiềm năng phát triển của ngành tóc trong tương lai còn mở rộng và lớn mạnh nữa. Bắt tay ngay vào học nghề, mở tiệm bây giờ là cách bạn không bỏ lỡ thời cơ tốt để làm giàu.
Mở tiệm tóc, bạn sẽ có công việc tự do về thời gian, môi trường làm việc thoải mái, mỗi ngày được giao tiếp với nhiều khách hàng. Mối quan hệ của bạn sẽ được mở rộng khi mở tiệm tiệm tóc. Dịch vụ của tiệm tóc đa dạng, đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng: cắt, gội, uốn, nhuộm, là, hấp, lấy ráy tai, spa mặt… Ngoài ra, lợi nhuận còn tới từ việc tư vấn và bán các sản phẩm chăm sóc tóc. Vì không bỏ trứng vào hết một giỏ nên các tiệm tóc sẽ thu tiền về từ nhiều nguồn, thu nhập tốt.
Chỉ cần học nghề từ 6 tháng – 1 năm, bạn có thể mở tiệm làm tóc nhỏ. Trong khi mở tiệm, có thể tranh thủ vừa làm vừa học thêm nâng cao tay nghề. Rủi ro của nghề này khá thấp bởi sau khi mở tiệm thì bạn không phải đầu tư quá nhiều nguồn nguyên vật liệu mỗi ngày, không phải lo về hạn sử dụng của nguyên vật liệu như bán thực phẩm cũng không lo lỗi mốt như thời trang. Nghề này thu hút tới mức, cụm từ khóa “cho thuê mặt bằng mở salon tóc” rất hot trên công cụ tìm kiếm ở Việt Nam.
Theo một khảo sát tại Mỹ thì nghề làm tóc là 1 trong 10 nghề có thu nhập thấp nhất. Hầu hết, những người làm tóc ở Mỹ chỉ coi đây là nghề tay trái, làm thêm có đồng ra đồng vào trong khi chờ một cơ hội đổi đời tốt hơn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chúng ta có thể thấy các thợ tóc mức lương trung bình đã có 10 – 15 triệu/tháng hoặc hơn tùy thời vụ. Còn với các chủ tiệm tóc thì mức thu nhập còn cao hơn nhiều lần.
Kinh nghiệm mở tiệm làm tóc nhỏ “bất bại”
Dù nhiều người đã mở tiệm tóc thành công, dù bạn chỉ đang ấp ủ mở quán làm tóc nho nhỏ xinh xinh thôi thì cũng đừng chủ quan. Thương trường luôn đầy sự cạnh tranh, khó khăn, dù mảng gì đi nữa. Hãy bỏ túi những kinh nghiệm hữu ích dưới đây để mở là lãi, không phải hối hận về sau nhé.
Không quên lập hoạch kinh doanh
Một bản kế hoạch không thể thiếu được với những người khởi sự kinh doanh. Bạn nên ngồi tập trung và lập ra kế hoạch, trong đó, xác định mục tiêu quán của mình sẽ tiếp cận khách hàng nào? Mức giá của mình hướng tới là bình dân, tầm trung hay cao cấp? Thông thường, với các tiệm làm tóc nhỏ thì sẽ chủ đích hướng tới phân khúc khách hàng bình dân và tầm trung. Đó là sinh viên, học sinh, người lao động thu nhập từ thấp tới trung bình. Còn khách cao cấp thì sẽ hướng tới mở salon tóc vip.
Khi xác định được “gương mặt” khách hàng, bạn sẽ list ra cách mình quản lý tài chính mỗi ngày (tiền ra, tiền vào thế nào). Các dịch vụ mà bạn dự tính cung cấp cho khách là gì? Mỗi ngày, những công việc cụ thể sẽ trình tự như thế nào?
Bật mí với các bạn là càng lập bản kế hoạch chi tiết thì việc kinh doanh của bạn sẽ càng thuận lợi hơn. Bản kế hoạch giống như kim chỉ nam cho bạn, giúp bạn không bị mất phương hướng khi xắn tay vào làm.
Chuẩn bị vốn phù hợp
Hãy hoạch định rõ ngân sách của mình. Bạn có bao nhiêu tiền để mở tiệm tóc? Chi phí để mở quán sẽ phụ thuộc rất nhiều vào vị trí thuê mặt bằng, mua sắm trang thiết bị, mô hình kinh doanh.
Thông thường, để mở tiệm làm tóc nhỏ thì bạn cần tối thiểu là 50 triệu. Trong đó, phí thuê mặt bằng 5 – 7 triệu (tùy khu vực). Chi phí thuê mặt bằng có thể rẻ hơn nếu bạn tìm thuê mặt bằng trong ngách, ngõ. Hoặc lớn hơn nếu bạn thuê ở cung đường đẹp, mặt tiền lớn. Chi phí mua sắm máy móc, nội thất, trang thiết bị cho quán tóc khoảng 30 triệu. Chi phí mua các sản phẩm chăm sóc tóc khoảng 5 – 7 triệu. Trang trí cho tiệm tóc khoảng 3 – 5 triệu. Các chi phí trên mang tính tham khảo. Bạn có thể tính toán lại chi phí phân bổ cho phù hợp.
Nếu tiệm tóc của bạn đi vào hoạt động ổn định, có lượng khách ruột tốt, bạn có thêm vốn thì cân nhắc mở thêm nhiều cơ sở để phục vụ nhiều khách ở các khu vực khác nhau.
Tìm địa điểm đẹp thu hút khách hàng
Một địa điểm đẹp là nơi dễ dàng đi lại, có giao thông tốt, có đông dân cư và khách hàng tiềm năng.
Nếu bạn hướng tới khách hàng bình dân thì hãy chọn các khu vực ở trong các ngõ, ngách, trong các tổ dân phố đông đúc, gần trường cao đẳng hay đại học, khu công nghiệp.
Còn nếu muốn mở tiệm làm tóc nhỏ nhưng lại phục vụ khách hàng Vip thì bạn có thể thuê mặt bằng tầng 1 tại các tòa nhà văn phòng, tòa chung cư… nơi có các nhân viên văn phòng, cư dân có thu nhập khá trở lên.
Nếu bạn muốn “ăn theo” tệp khách hàng yêu thích làm đẹp thì có thể chọn các con phố tụ họp nhiều shop thời trang, mỹ phẩm.
Dự trữ hàng tư vấn
Đa số khách đi làm tóc thường rất thích được nhân viên hoặc chủ quán tư vấn về các vấn đề họ đang gặp phải với tóc của họ và tư vấn về giải pháp giúp tóc chắc khỏe và đẹp hơn. Thế nên, bạn và nhân viên hãy khéo léo tư vấn cho khách các sản phẩm chăm sóc tóc. Đó là cách “bán hàng như không bán hàng”.
Ví dụ: “Chị ơi, cái chất tóc này của chị hơi bị khô phần đuôi vì dùng nhiều hóa chất. Chị nên dùng kết hợp thêm ngoài dầu gội sản phẩm dầu xả có tinh chất khổ sâm giúp phục hồi tóc ok lắm chị. Như tóc em này, giờ mềm mượt lắm!” Và khi khách hỏi, nhà em có sản phẩm đó không là bạn đã bán được hàng rồi.
Một số sản phẩm như thuốc chống rụng tóc, tinh dầu dưỡng ẩm, xịt kích mọc tóc, dầu gội, dầu xả, kem ủ… là những sản phẩm bạn nên dự trữ sẵn để tư vấn bán cho khách phù hợp. Đừng chỉ làm tóc thôi mà quên mất cơ hội bán hàng thêm lợi nhuận.
Chọn nhân viên làm tóc giỏi và thân thiện
Bạn nên có nhiều hơn một stylist để phục vụ nhiều khách hàng. Dù “ba đầu sáu tay” thì bạn không thể vừa uốn, nhuộm cho khách vừa gội đầu, hấp, cắt… được. Nhất là giờ cao điểm như nghỉ trưa, buổi tối, cuối tuần.
Đừng chờ tới khi tiệm ăn nên làm ra rồi mới tuyển thêm người phụ giúp. Ngay từ đầu mở tiệm làm tóc nhỏ, bạn nên có thêm “cánh tay” hỗ trợ, đó có thể là người nhà (bạn training họ) hoặc một thợ đa-zi-năng. Yêu cầu khi tìm thợ là vừa giỏi chuyên môn vừa phải khéo ăn nói giao tiếp và có thái độ cởi mở, thân thiện với khách hàng. Bởi nghề làm tóc, đặc thù là nghề dịch vụ mang lại vẻ đẹp và sự thoải mái cho khách.
Đa dạng cách truyền thông marketing
Nếu bạn nghĩ tiệm tóc nhỏ không cần truyền thông là sai rồi nhé. Hiếm có chuyện cứ im lặng mở quán ra mà thu hút được nhiều khách hàng, nhất là trong bối cảnh người người nhà nhà vừa kinh doanh vừa truyền thông khốc liệt như hiện nay.
Bạn nên treo băng rôn, poster ngoài quán để gây sự chú ý với khách hàng. Bên cạnh đó, bạn có thể lập fanpage, kênh tiktok, youtube… để lan tỏa thương hiệu của mình với nhiều người hơn. Chạy ads quảng cáo trong khu vực quanh tiệm tóc để tiếp cận các khách hàng tiềm năng cũng là gợi ý hay.
Mở tiệm làm tóc nhỏ là khát khao của nhiều người trẻ trên con đường lập nghiệp đi tới thành công. Đừng bỏ qua những kinh nghiệm hữu ích ở bài viết trên. Thị trường nghề tóc rất tiềm năng, nhiều cơ hội và bạn chắc chắn sẽ hái được “quả ngọt” xứng đáng khi có kế hoạch kinh doanh bài bản, có chuyên môn và quyết tâm. Chúc bạn kinh doanh thành công và sở hữu thương hiệu về tóc lớn mạnh.