Nhà Ở Kết Hợp Văn Phòng, Nên Hay Không?
Rất nhiều người thắc mắc rằng có nên làm nhà ở kết hợp văn phòng hay không? Lợi ích của mô hình này là gì? Rõ ràng, mô hình kết hợp này đang trở thành xu hướng mới mẻ và khá “sốt” thời gian gần đây. Bài viết hôm nay sẽ giúp các bạn tự tin hơn khi đưa ra quyết định.
Mục lục
Ưu điểm của mô hình nhà ở kết hợp với mặt bằng làm việc
Với một nhà có số lượng thành viên ít, thực tế không gian và diện tích sử dụng trong tòa nhà hoặc căn nhà của mình không nhiều, thường có xu hướng tận dụng làm văn phòng. Một là để công ty gia đình hoạt động. Hai là cho các công ty ngoài có nhu cầu thuê.
Trong suy nghĩ của nhiều người, nhà cho công ty thuê diện tích nhất định làm việc sẽ “vui cửa vui nhà” hơn, đồng thời, có thêm “đồng ra đồng vào” hỗ trợ chi tiêu sinh hoạt hằng tháng. Thiết kế mặt bằng nhà ở kết hợp văn phòng, mục đích sau cùng, là cách hiệu quả giúp cho gia đình bạn tài chính rủng rỉnh hơn mà không mất gì quá nhiều.
Bên cạnh đó cũng có các công ty thuê diện tích làm việc rộng, nhiều hơn nhu cầu thực tế nên setup chỗ ở ngay tại nơi làm việc. Điều này giúp tiết kiệm tài chính nhất là với những công ty startup nguồn vốn còn mỏng, cần tiền để xoay vòng đầu tư. Đồng thời, cũng giúp lãnh đạo công ty thuận tiện làm việc, quản lý nhân viên, điều hành công ty hơn, gần như là 24/24 đều có thể có mặt ngay lập tức và giải quyết được việc công ty nếu cần thiết.
Những lưu ý nhất định phải biết khi thiết kế nhà ở kết hợp văn phòng
Không giống với việc bạn đơn thuần thuê một nơi chỉ để ở hoặc một nơi chỉ để làm nơi làm việc. Khi bạn chọn cách chia không gian mình thuê thành nơi vừa ở vừa làm việc, bạn cần phải nắm được một số lưu ý đảm bảo không gian của bạn đáp ứng được công năng và không bị bí bách, chật chội.
Mặt tiền thoáng, nhìn xa trông rộng
Khi bạn thuê nhà chỉ để phục vụ việc ăn ngủ nghỉ sinh hoạt thì mặt tiền không quá quan trọng. Thế nhưng, khi thuê nhà làm văn phòng để hoạt động thì bạn phải lưu ý đặc biệt tới mặt tiền. Bởi đó chính là “bộ mặt” nhận diện thương hiệu của công ty, là “chìa khóa” mở nhiều cánh cửa thuận lợi trong kinh doanh. Khách hàng và đối tác ghé thăm công ty, ánh nhìn đầu tiên chính là hình ảnh mặt tiền.
Lưu ý chọn vị trí mà mặt tiền công ty không bị che khuất, dễ treo biển bảng công ty, tăng độ phủ thương hiệu, đồng thời, giúp khách hàng dễ tìm công ty hơn. Mặt tiền chỗ làm thoáng còn là “liều vitamin” quý giá giúp nhân viên công ty thoải mái, thư giãn hơn vì có luồng không khí tốt và ánh nắng chan hòa chiếu vào. Nếu bạn nhất định phải thuê một nơi có mặt tiền nhỏ thì nên chọn các loại biển bảng hợp lý với mặt tiền, đừng to quá, bên cạnh đó, trang trí thêm cây xanh hoa lá để tăng độ ấn tượng bên ngoài.
Ưu tiên chất liệu kính trong thiết kế
Khi thiết kế nhà ở kết hợp mặt bằng văn phòng thì bạn cần chú ý song song hai yêu cầu. Một là phải đảm bảo được sự ngăn cách giữa các không gian ở và làm việc. Hai vẫn phải giữ được sự kết nối giữa các khu vực, tạo ra không gian thoáng và sang trọng. Chất liệu kính là một sự lựa chọn thông minh và hoàn hảo cho các mẫu thiết kế kết hợp này. Các bạn có thể tham khảo cửa nhôm kính hoặc inox màu 304 bền đẹp. Khi sử dụng các cửa kính cũng đặc biệt chú ý hệ thống rèm, mành để giảm bớt ánh nắng chiếu vào. Giữa hai không gian, nên dùng các vật liệu cách âm để đảm bảo tính riêng tư nhất định (rèm cách âm, kính cách âm, xốp cách âm…).
Sử dụng màu trung tính
Lời khuyên cho các bạn là nên lựa chọn màu trung tính như màu ghi, nâu trầm, tông gỗ tự nhiên, màu trắng ngà… để tạo ra không gian vừa sang vừa gần gũi và ấm áp, phù hợp với cả nơi làm việc và nơi ở. Riêng với phòng làm việc, một số gam màu như xanh dương, xanh lá… rất hiệu quả khi mang lại cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, gần gũi với thiên nhiên. Các tông màu này còn giúp người lao động thoải mái hơn, làm việc hiệu quả hơn và tăng khả năng sáng tạo.
Thiết kế nguồn điện công suất lớn đảm bảo an toàn
Công suất điện ở các công trình kết hợp mục đích ở và làm việc là rất lớn. Nếu công suất thực tế sử dụng quá tải giới hạn cho phép sẽ khiến aptomat nhảy liên tục, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt. Bởi vậy ngay từ khâu thiết kế mặt bằng phân chia khu vực, bạn phải có bản vẽ hệ thống điện hợp lý. Muốn làm được vậy, trước đó, bạn phải đo lường điện năng sử dụng phù hợp, đầu tư xây dựng hệ thống điện công suất lớn. Hệ thống điện đáp ứng nhu cầu, đảm bảo yếu tố kỹ thuật và an toàn sẽ giúp mọi người yên tâm ở và làm việc, hạn chế các sự cố về điện nguy hiểm.
Tóm lại, thiết kế nhà ở kết hợp văn phòng đang là xu hướng hot được nhiều doanh nghiệp lựa chọn hiện nay. Bạn nên lựa chọn mô hình này nếu như muốn tiết kiệm tài chính. Tuy nhiên, cần đảm bảo thiết kế đạt chuẩn an toàn để ở an toàn, làm việc hiệu quả.