Các Bước Xây Dựng Văn Hóa Doanh Nghiệp Hiệu Quả
Trước sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay, một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì phải liên tục tìm tòi cái mới, sáng tạo và không ngại thay đổi để phù hợp với thực tế. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp đó. Vậy các bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp được thực hiện như thế nào?
Mục lục
Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Hiểu một cách đơn giản nhất, văn hóa doanh nghiệp giống như “cá tính”, bản sắc riêng của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp giúp doanh nghiệp đó không thể lẫn với các doanh nghiệp khác dù cùng hoạt động trong một lĩnh vực và cung cấp những sản phẩm tương tự ra thị trường. Như vậy có thể thấy, chúng ta có thể bắt gặp một vài doanh nghiệp cùng kinh doanh các mặt hàng giống nhau, có tệp khách hàng giống nhau, nhưng mặc nhiên, văn hóa doanh nghiệp là hoàn toàn khác nhau.
Văn hóa doanh nghiệp có 3 nét đặc trưng đó là: văn hóa doanh nghiệp mang tính nhân sinh – gắn với con người; có tính giá trị và có tính ổn định.
Vậy một doanh nghiệp có bắt buộc phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp hay không? Thực tế văn hóa tồn tại khách quan và doanh nghiệp nào cũng có văn hóa riêng của mình. Chỉ có điều, văn hóa được thể hiện như thế nào và doanh nghiệp có phát hiện ra những giá trị tốt để phát huy và những giá trị chưa tốt để thay đổi hay không. Chính vì vậy, xây dựng văn hóa là chìa khóa để doanh nghiệp được trường tồn.
Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng không thể thực hiện nhanh chóng trong ngày một ngày hai, mà nó được hình thành, được tích lũy từ các giá trị tạo nên các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng không phải là một khẩu hiệu, mà luôn cần sự vun đắp của từng cá nhân trong một tập thể, một tổ chức doanh nghiệp.
Các bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả
Mỗi doanh nghiệp sẽ tự đánh giá và có cách riêng để xây dựng văn hóa phù hợp với doanh nghiệp mình. Tựu chung lại, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp được xây dựng theo trình tự sau:
Xác định chiến lược, mục tiêu xây dựng văn hóa mà doanh nghiệp mong muốn hướng đến
Mọi dự án khi xây dựng muốn thành công thì cần phải có chiến lược và mục tiêu cụ thể. Tương tự như vậy, để có thể xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp, cần phải xác định rõ chiến lược và mục tiêu mà văn hóa doanh nghiệp hướng đến. Việc xác định rõ ràng mục tiêu sẽ giúp doanh nghiệp truyền tải đến đội ngũ CBNV công ty một cách cụ thể, giúp hình thành thói quen, hành vi và áp dụng hàng ngày.
Định hình văn hóa doanh nghiệp
Có thể bạn đã biết: văn hóa doanh nghiệp không hình thành cùng lúc với doanh nghiệp. Thông thường, sau một thời gian hoạt động sẽ giúp doanh nghiệp xác định được những yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp của mình bao gồm: sứ mệnh, tầm nhìn, triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi, các chuẩn mực hành vi và các biểu trưng nhận dạng của doanh nghiệp.
Truyền tải giá trị của văn hóa doanh nghiệp đến tất cả đội ngũ CBCNV công ty
Không chỉ ban lãnh đạo mới cần nắm được giá trị văn hóa doanh nghiệp, mà văn hóa doanh nghiệp cần phải được truyền tải đến từng cá nhân trong một tập thể. Chỉ khi từng cá nhân hiểu được sự quan trọng và lợi ích mà văn hóa doanh nghiệp mang lại thì văn hóa doanh nghiệp mới thực sự có sức mạnh, giúp mô hình văn hóa doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nếu không truyền tải được những giá trị của văn hóa doanh nghiệp thì mọi hình thức triển khai xây dựng tiếp theo chỉ mang tính phong trào. Do vậy, bước này cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc.
Triển khai xây dựng
Việc triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp đòi hỏi cần phải có thời gian và sự điều chỉnh những yếu tố vô hình. Bước đầu của việc triển khai xây dựng chắc chăn sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định, nhưng sau một thời gian, nhân viên sẽ chuyển từ thực hiện bắt buộc sang thực hiện một cách tự nguyện. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp có thể triển khai tổ chức các phong trào, phương thức góp phần xây dựng văn hóa theo đúng định hướng của doanh nghiệp mình.
Ổn dịnh và phát triển văn hóa
Sau các bước trên, doanh nghiệp cần ổn định và phát triển văn hóa. Việc duy trì, cập nhật để văn hóa của doanh nghiệp mình không bị lạc hậu và mai một là điều vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp cần thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền nội bộ, quảng bá ra bên ngoài, tôn vinh những cá nhân, tập thể, những hành vi phù hợp với văn hoá doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp văn hóa doanh nghiệp được phát triển bền vững.
Trên đây là một số các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp. Tùy vào thực trạng và quy mô doanh nghiệp việc triển khai phát triển văn hóa doanh nghiệp sẽ khác nhau. Mong rằng bài viết đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích.