Chi Nhánh Và Văn Phòng Đại Diện Có Gì Khác Nhau?
Không ít người cho rằng chi nhánh và văn phòng đại diện là một. Tuy nhiên, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nhiều người muốn mở rộng quy mô hoạt động công ty hay băn khoăn chọn giữa chi nhánh và văn phòng đại diện, thì bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về hai khái niệm này để thấy những điểm giống và khác nhau. Từ đó giúp bạn phân biệt kỹ hơn và đưa ra quyết định phù hợp.
Mục lục
Khái niệm chi nhánh và văn phòng đại diện
Căn cứ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp chi tiết nêu tại Luật doanh nghiệp 2020 và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ta thấy, có rất nhiều loại hình doanh nghiệp, công ty được thành lập trên tất cả các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau. Pháp luật cho phép mỗi doanh nghiệp được thành lập ra các đơn vị trực thuộc quyền quản lý hợp pháp. Một là chi nhánh doanh nghiệp. Hai là văn phòng đại diện.
Khoản 1, Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định rằng chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện một phần chức năng hoặc toàn bộ chức năng của doanh nghiệp, không ngoại trừ chức năng đại diện theo ủy quyền. Thế nên, bắt buộc ngành nghề hoạt động của chi nhánh phải giống như ngành nghề đăng ký hoạt động của doanh nghiệp chủ thể.
Hiểu đơn giản như sau, chi nhánh công ty là đơn vị được phép thực hiện các hoạt động nhằm tạo ra doanh thu của riêng mình, không phải dựa vào công ty chủ thể, nhưng phải bắt buộc hoạt động theo ngành nghề đăng ký của chủ thể doanh nghiệp.
Tại Khoản 2, Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2014, có quy định: “Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó”.
Khái niệm này được hiểu là văn phòng đại diện không có quyền thực hiện các hoạt động sinh lời, phát sinh doanh thu mà chủ yếu tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm là giám sát, đẩy nhanh tiến độ dự án… Và tất cả các hoạt động này nằm trong khuôn khổ mà doanh nghiệp chủ thể hoặc người đứng đầu doanh nghiệp ủy quyền cho phép.
So sánh chi nhánh với văn phòng đại diện
Dưới đây, chúng tôi phân biệt rõ cho các bạn hai khái niệm này.
Giống nhau
Căn cứ theo Luật doanh nghiệp 2014 thì chinh nhánh và văn phòng đại diện đều là đơn vị con trực thuộc “doanh nghiệp mẹ” hợp pháp.
Tại hai đơn vị này đều gắn tên của doanh nghiệp chủ thể.
Cả hai đều không có tư cách pháp nhân.
Nhân danh chủ sở hữu công ty doanh nghiệp chủ thể để hoạt động, vận hành.
Mọi hoạt động của hai đơn vị trực thuộc này phải phù hợp với nội dung hoạt động của doanh nghiệp đã được đăng ký hợp pháp.
Theo quy định tại Điều 41 Luật doanh nghiệp 2014 thì các nguyên tắc đổi tên của hai đơn vị trực thuộc này cơ bản là giống nhau.
Các loại giấy tờ, xác nhận, chứng nhận… trong hồ sơ đăng ký của hai đơn vị trực thuộc này có giá trị pháp lý ngang nhau. Thay đổi địa chỉ văn phòng đại diện hay chi nhánh cũng phải đầy đủ thủ tục, giấy tờ theo quy định pháp luật.
Cả hai đơn vị này có thể mở và hoạt động ở trong hoặc ngoài phạm vi quốc gia, khu vực. Tùy vào quy mô, định hướng của doanh nghiệp.
Khác nhau
Về chi nhánh:
– Có thể coi như là “doanh nghiệp con” hoạt động trong ngành nghề y như doanh nghiệp mẹ.
– Chấp hành nghĩa vụ đóng thuế theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, cần phải thanh toán các khoản thuế giá trị gia tăng hoặc thuế thu nhập của công ty.
– Chức năng kinh doanh và chức năng đại diện theo quyền được thực hiện một phần hoặc toàn bộ
Về văn phòng đại diện:
– Theo pháp luật quy định thì văn phòng đại diện không được thực hiện chức năng, nghiệp vụ trùng với “doanh nghiệp mẹ”.
– Vì không có chức năng kinh doanh nên tất nhiên, văn phòng đại diện không phải nộp thuế môn bài cho nhà nước.
– Đối với các sắc thuế văn phòng đại diện phát sinh phải nộp hoặc phải nộp thay thì nhất định phải nộp hồ sơ khai thuế. Ngược lại, với các sắc thuế không phát sinh, văn phòng đại diện không phải nộp hồ sơ khai thuế.
Chức năng kinh doanh không có ở văn phòng đại diện, thay vào đó, chỉ có thể thực hiện được chức năng là địa điểm. Điều này phải theo quyết định ủy quyền của doanh nghiệp.
Nếu bạn chỉ cần một địa chỉ hợp pháp để thực hiện các giao dịch với khách hàng, đối tác tại khu vực nhắm tới phát triển thị trường? Bạn không đặt nặng, không cần thực hiện các hoạt động kinh doanh, sinh lời thì văn phòng đại diện là lựa chọn hợp lý. Các hoạt động như kê khai thuế, xuất hóa đơn sẽ bàn giao lại về trụ sở chính của công ty bạn quản lý. Ngược lại, bạn muốn đơn vị trực thuộc công ty mẹ thực hiện các hoạt động tạo ra doanh thu trực tiếp thì hãy mở chi nhánh.
Những thông tin trên hy vọng đã giúp bạn sáng tỏ được khái niệm chi nhánh và văn phòng đại diện. Tóm lại, việc quyết định thành lập đơn vị trực thuộc nào là phụ thuộc vào tầm nhìn và kế hoạch lâu dài của công ty bạn. Chúc các bạn kinh doanh thuận lợi và mở rộng, phát triển không ngừng.