Điều Kiện Mở Văn Phòng Công Chứng Thế Nào?
Công chứng đang trở thành một ngành kinh doanh hấp dẫn trong mắt nhiều nhà đầu tư bởi có vẻ “làm chơi ăn thật”, “đóng dấu ăn tiền”…. Thực tế, mở văn phòng công chứng có đơn giản như suy nghĩ của nhiều người hay không? Bài viết này sẽ trả lời câu hỏi đó.
Mục lục
Vai trò của văn phòng công chứng
Căn cứ vào Điều 22 Luật Công chứng năm 2014 thì văn phòng công chứng là đơn vị được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng và các quy định pháp luật khác liên quan đối với công ty hợp danh.
Vai trò của văn phòng công chứng rất quan trọng với nhiều bên khác nhau.
Đối với các bên khi tham gia giao dịch công chứng: Văn phòng công chứng hỗ trợ cho việc thực hiện các giao dịch của các cá nhân và tổ chức dễ dàng, thuận lợi hơn và tuân thủ đúng quy định pháp luật. Từ đó, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tối đa.
Đối với nhà nước: Sự ra đời của văn phòng công chứng đã giảm bớt áp lực, khối lượng công việc liên quan tới công chứng cho các cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, sự hoạt động của các văn phòng công chứng giúp cho tiến trình thúc đẩy pháp chế chủ nghĩa xã hội tăng cường, đồng thời phát huy tốt đa dạng các nguồn lực pháp lý trong toàn xã hội.
Đối với chính văn phòng công chứng: Thông qua các hoạt động công chứng, thu về các khoản phí theo quy định, hợp pháp.
Mở văn phòng công chứng thực sự là một ngành nghề kinh doanh hấp dẫn dành cho người đam mê với mảng luật và dịch vụ. Đây là một ngành có nhu cầu cao bởi hoạt động giao dịch của người dân ngày một nhiều, đi đôi với khối lượng giấy tờ cần công chứng lớn. Thế nên, thuê văn phòng để hoạt động mảng công chứng là một xu hướng phát triển mạnh mẽ thời gian gần đây. Nhiều nhà đầu tư đã nhìn ra thời cơ cho ngành dịch vụ đặc biệt này.
Điều kiện mở văn phòng công chứng
Căn cứ Điều 22 Luật Công chứng, điều kiện để mở đơn vị công chứng bao gồm những điều kiện dưới đây.
Điều kiện về loại hình công ty
Văn phòng công chứng nhất định phải được tổ chức và vận hành theo loại hình công ty hợp danh.
Cụ thể, tại quy định Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
– Có tối thiểu 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty và cùng kinh doanh dưới một tên chung (gọi là thành viên hợp danh). Các thành viên khác gọi là thành viên góp vốn.
– Thành viên hợp danh không phải là tập thể, phải là cá nhân. Thành viên hợp danh sẽ chịu trách nhiệm với công ty/văn phòng bằng toàn bộ tài sản cá nhân của mình về các nghĩa vụ liên quan của công ty;
– Thành viên góp vốn có thể là tổ chức/cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
Điều kiện về thành viên sáng lập
Văn phòng công chứng phải do tối thiểu 2 công chứng viên hợp danh trở lên sáng lập và tuyệt đối không có thành viên góp vốn.
Tức là, chỉ có công chứng viên mới là người sáng lập, thành lập văn phòng công chứng hợp pháp. Các công chứng viên này có trách nhiệm với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng tất cả tài sản của mình.
Theo Điều 8 Luật Công chứng, các công chứng viên cần phải đủ tiêu chuẩn như sau:
– Là công dân Việt Nam và có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam.
– Phẩm chất đạo đức tốt, tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật hiện hành.
– Có bằng cử nhân luật, có công tác lĩnh vực pháp luật tối thiểu 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức.
– Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng.
– Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.
– Đảm bảo có sức khỏe tốt.
Điều kiện về tên gọi
Tên gọi của văn phòng công chứng phải có chứa cụm từ “văn phòng công chứng”, đi kèm là họ tên của trưởng văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác.
Tên gọi của văn phòng công chứng được tự do thỏa thuận và thống nhất bởi các công chứng viên hợp danh. Tuy nhiên, nhất định tránh việc đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác gây ra rủi ro công chứng, không được vi phạm tới văn hóa, đạo đức, truyền thống lịch sử và thuần phong mỹ tục của đất nước.
Điều kiện về trụ sở
Chiếu theo Điều 17 Nghị định 29/2016/NĐ-CP, trụ sở mở văn phòng công chứng phải đáp ứng các điều kiện như sau:
– Phải có địa chỉ cụ thể, rõ ràng.
– Nơi làm việc cho công chứng viên và người lao động đảm bảo có diện tích phù hợp, tối thiểu theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các đơn vị sự nghiệp.
– Có nơi tiếp khách tới làm giao dịch công chứng.
– Có nơi lưu trữ hồ sơ công chứng của khách và văn phòng.
Các văn phòng truyền thống với hợp đồng thuê lâu dài, mặt bằng rộng rãi là địa điểm lý tưởng để mở văn phòng công chứng.
Điều kiện về con dấu
Theo quy định, khi mở văn phòng công chứng cần phải có con dấu riêng và không có hình quốc huy. Văn phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu sau khi có quyết định cho phép thành lập.
Tất cả thủ tục, hồ sơ xin khắc dấu cùng với việc quản lý và sử dụng con dấu của Văn phòng công chứng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.
Có nên mở văn phòng công chứng hay không và mở như thế nào là câu hỏi nhiều người muốn có câu trả lời. Hy vọng bài viết trên đã giúp những ai muốn đầu tư lĩnh vực kinh doanh đặc biệt này có thêm kiến thức để tự tin đầu tư hơn. Điều quan trọng với các văn phòng công chứng chính là yếu tố con người, chuyên môn, ngoài ra còn có các yếu tố về tài chính, mối quan hệ. Xác định ngay từ đầu, lập văn phòng công chứng không phải là một cuộc dạo chơi và không dành cho những người mơ hồ, như vậy, bạn sẽ kinh doanh nghiêm túc và gặt hái thành công.