Chi Phí Sửa Chữa Văn Phòng Có Được Tính Vào Chi Phí Được Trừ Không?
Khi có nhu cầu thuê trụ sở, văn phòng làm việc, để phủ hợp với môi trường kinh doanh, tính chất công việc, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều phải bỏ chi phsi để tu sửa văn phòng. Vậy, nhưng chi phí sửa chữa văn phòng có được tính vào chi phí được trừ hay không? điều kiện nào để được tính vào khoản chi phí được trừ? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Chi phí sửa chữa văn phòng gồm những gì?
Sửa chữa văn phòng có thể hiểu là việc sửa chữa, thay mới, khắc phục, bổ sung những trang thiết bị, nội thất mới để không gian làm việc phù hợp với doanh nghiệp. Thông thường, chi phí sửa chữa văn phòng đi thuê nói riêng và các loại văn phòng nói chung sẽ bao gồm các khoản chi phí như:
– Chi phí tháo dỡ, phá bỏ những hạng mục cũ
– Chi phí thi công lắp đặt, sửa chữa tường, trần thạch cao
– Chi phí sơn lại văn phòng
– Chi phí sửa chữa, thi công chống thấm, chống dột, khắc phục các vết nứt, vỡ
– Chi phí thi công hệ thống tường, vách ngăn
– Chi phí thiết kế, bố trí nội thất văn phòng
– Chi phí thi công hệ thống cửa, rèm cửa, ốp lát nền, hệ thống cách âm…
Có thể thấy, chi phí sửa chữa, cải tạo văn phòng là tương đối lớn. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cần đảm bảo việc sửa chữa văn phòng đi thuê cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc mà chủ đầu tư đưa ra như: không làm thay đổi cấu trúc ban đầu của văn phòng, chú ý đến những quy định về phòng cháy chữa cháy, các quy định pháp luật về xây dựng có liên quan.
Việc sửa chữa văn phòng đối với nhiều doanh nghiệp là việc rất quan trọng, không chỉ xem ngày giờ để thực hiện mà còn đặc biệt chú trọng đến các yếu tố về mặt phong thủy văn phòng làm việc. Việc cải tạo, sửa chữa văn phòng sẽ giúp không gian làm việc trở nên thông thoáng, hiện đại hơn và phù hợp với chiến lược phát triển, định hướng kinh doanh của doanh nghiệp.
Chi phí sửa văn phòng có được tính vào chi phí được trừ hay không?
Theo quy định, việc sửa chữa cải tạo văn phòng, nhà xưởng đi thuê, là chi phí sửa chữa lớn, được phân bổ vào chi phí kinh doanh không quá 3 năm.
Theo Điều 7 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013, các chi phí sửa chữa tài sản cố định không được tính tăng nguyên giá tài sản cố định mà được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, nhưng tối đa không quá 3 năm.
Đối với những tài sản cố định mà việc sửa chữa có tính chu kỳ thì doanh nghiệp được trích trước chi phí sửa chữa theo dự toán vào chi phí hàng năm. Nếu số thực chi sửa chữa tài sản cố định lớn hơn số trích theo dự toán thì doanh nghiệp được tính thêm vào chi phí hợp lý số chênh lệch này. Nếu số thực chi sửa chữa tài sản cố định nhỏ hơn số đã trích thì phần chênh lệch được hạch toán giảm chi phí kinh doanh trong kỳ.
Đối với thuế TNDN, căn cứ theo Khoản 1, Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; căn cứ theo điểm 2.16, Khoản 2, Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định về phần chi phí thuê tài sản cố định vượt quá mức phân bổ theo số năm mà bên đi thuê trả tiền trước, có thể rút ra kết luận: Chi phí sửa chữa nhà xưởng đi thuê được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, cần những chứng từ sau:
– Hợp đồng thuê văn phòng, nhà xưởng; trong hợp đồng ghi rõ bên đi thuê có trách nhiệm sửa chữa tài sản trong thời gian thuê
– Hóa đơn thuê văn phòng, nhà xưởng (nếu có)
– Biên bản kiểm tra hiện trường, lý do hư hại, các biện pháp khắc phục
– Chứng từ thanh toán
Đối với thuế GTGT: Doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT của chi phí sửa chữa văn phòng, nhà xưởng đi thuê. Do khoản chi phí này bản chất là của người cho thuê, phải bỏ ra để đưa tài sản vào trong tình trạng sẵn sàng sử dụng trước khi cho thuê, đồng thời làm tăng nguyên giá TSCĐ cho thuê.
Nhưng vì người cho thuê ủy quyền cho người đi thuê thực hiện, thông qua hợp đồng thuê nhà, thông qua việc giảm giá cho thuê để doanh nghiệp giành tiền đầu tư sửa chữa. Vì vậy, hóa đơn chứng từ của khoản sửa chữa này mang tên doanh nghiệp, nhưng Doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT của chi phí sửa chữa nhà xưởng đi thuê.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp trong hợp đồng thuê có điều khoản: trong quá trình sử dụng, bên đi thuê được phép sửa chữa và có trách nhiệm chi trả các phần tu sửa đó… thì vẫn được khấu trừ thuế GTGT. Do vậy các doanh nghiệp cần lưu ý.
Với những chia sẻ trên hy vọng đã giúp các bạn nắm được sửa chữa văn phòng gồm những gì và có được tính vào chi phí được trừ hay không.